/* Hỗ trợ phân trang */

NÉT VĂN HÓA SAPA



Sapa theo tiếng địa phương có nghĩa là Bãi cát ( Sa là cát, Pa là bãi). Đêm 30 tết Sapa đắm mình trong cái lạnh se sắt của màn sương trắng xóa bao vây mang đến những ấn tượng khó phai mờ.
Dạo quanh một vòng thị trấn Sapa, dễ dàng nhận ra đây là vùng đất giàu tài nguyên du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa với sự ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, bản sắc văn hóa các dân tộc hiện đang là cư dân sinh sống. Tài nguyên du lịch văn hóa nổi bật của Sapa chính là di sản văn hóa dân gian; Nó không chỉ thổi hồn vào du lịch mà còn tạo thành nguồn lực mạnh mẽ để Sapa phát triển du lịch. Bởi Sapa là quê hương lâu đời của nhiều dân tộc anh em Thái, Mông, Dao, Xã Phó, Tày, Giấy. Chỉ riêng người Mông đã có 3 ngành, gồm: Mông Lềnh, Mông Đen, Mông Trắng… nên du khách có thể gặp gỡ người dân tộc trong trang phục truyền thống tại bất kỳ nơi công cộng nào. Còn muốn tìm hiểu sâu hơn mọi sinh hoạt đời sống của đồng bào cũng không khó khăn khi tìm đến các bản làng người dân tộc ở các xã Tả Phìn, San Xả Hồ, Nậm Cang, Suối Thầu, Bản Hồ, Thanh Phú, Nậm Sài, Tả Van và ngay tại thị trấn.
Chung sống với cộng đồng, song chưa xảy ra chuyện pha trộn dòng giống thông qua việc hôn nhân giữa các tộc khác nhau, nên bản sắc của mỗi dân tộc vẫn giữ được nguyên vẹn sự đặc trưng và tạo thành nét văn hóa dân gian riêng biệt của Sapa không thể nhầm lẫn với địa danh du lịch khác. Thị trấn Sapa không lúc nào thiếu vắng bóng dáng những bộ trang phục Mông, Dao Đỏ, Xã Phó…


   Nét văn hóa dân gian còn hiện diện trong không gian “thị thành” tại những nhà hàng chỉnh trang. Đó là món ăn quen thuộc có tên gọi “thắng cố” bằng thịt ngựa được lưu truyền từ bao năm; Đó là món thịt xông khói treo lơ lửng giữa làn khói của lò sưởi được đặt giữa sảnh nhà hàng, đây cũng là nơi thực khách sưởi ấm lúc mới bước vào nhà hàng hay vây quanh chuyện vãn sau khi ăn uống no nê; Đó là rượu Sắn Lùn, rượu Ngô được ủ men bằng nông sản chính đồng bào làm ra từ mảnh ruộng bậc thang nhưng đủ sức khiến người uống mềm môi say khướt quên đường về. Ra khỏi thị trấn chừng hơn 10km, văn hóa dân gian rộng rãi trải dài trên địa hình miền đất cao nguyên. Đó là mái nhà sàn thấp thoáng trên sườn đồi hờ hửng buông làn khói nhạt; là những mảnh ruộng bậc thang đang chuẩn bị vào mùa lúa mới; là những tấm áo chàm đang trĩu nặng gùi trên vai nhanh bước chân lên con dốc dài và những lễ hội giàu bản sắc dân tộc như: Nào Sồng ( của người Mông), Nhăm Sồng ( của người Dao), Gioóng Boọc ( của người Giáy), Quét Làng ( của người Xá Phó) cùng với kho tàng văn học nghệ thuật dân gian với đầy đủ hệ thống từ loại hình thần thoại truyện cổ tích đến tục ngữ, câu đối, thơ ca… của mỗi dân tộc được thể hiện trong sinh hoạt đời sống hàng ngày.


Chợ Sapa đậm dấu nét văn hóa dân gian qua các sản phẩm vùng cao như: dược liệu, quả trái miền á nhiệt đới, vải mộc, tơ sợi, thổ cẩm, vòng bạc, vòng tay, yên ngựa thồ, bàn đạp sắt…Phiên chợ Tình vào đêm cuối tuần giúp trai gái các dân tộc tìm hiểu giao duyên và qua giao duyên, nếu hợp tình hợp số mà chưa vợ chưa chồng thì đi đến hôn nhân.
Tuy Sapa là điểm du lịch thu hút mạnh khách vãng lai trong & ngoài nước, nhưng mọi giá cả sinh hoạt không chặt chém hay nói thách chênh lệch quá mức gây cho khách sự phản cảm. Đằng sau những tấm vé vào các khu du lịch đều có in dòng chữ: Phí danh lam thắng cảnh được hỗ trợ đầu tư cho các làng bản du lịch, tái đầu tư cho các điểm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn. Trung tâm Thông tin và dịch vụ du lịch Sapa cung cấp đầy đủ những thông tin cần biết về Sapa  miễn phí kèm với lời dặn dò: Bạn không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân và cách ứng xử khi đến bản làng. Nhiều du khách  thích tự đi bộ vào bản làng hơn ngồi ô tô để thỏa thuê đắm mình vào cảnh sắc thiên nhiên độc đáo của Sapa.


Gom lại tất cả đã tạo thành nét văn hóa dân gian du lịch đặc sắc của xứ sở sương mù mang tên Sapa.
                           
                                             NHẬT HẠ 
                                                tết 2012  
                                       

2 nhận xét :

  1. Con còn nghe nói là ai chưa có một nửa kia thì đến Chợ Tình sẽ gặp. Ai có rồi thì gặp lại người cũ để cùng trà rượu và tâm sự loài chim biển nữa cô. Chắc con phải lên đó một chuyến. Hy vọng là không chờ đến tết Công-gô. Há há...

    Trả lờiXóa
  2. Ừ, đó là chuyện của đồng bào các dân tộc. Còn Cún thì cứ lên BH cô kiếm nửa kia cho. Hehe

    Trả lờiXóa